Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

Thi đại học cao đẳng áp lực nhiều chặng đua

heo ghi nhận mới nhất, số lượng hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay của các tỉnh đều giảm mạnh. Nhưng phương án xét tuyển mới nhiều điểm sàn do Bộ GD&ĐT quy định sẽ "tiếp sức” để các trường có thêm cơ hội tuyển sinh. Áp lực phải vào ĐH dù ra trường cơ bản thất nghiệp tiếp tục đè nặng gần 1 triệu thí sinh và cả xã hội.
thi-dai-hoc-cao-dang-ap-luc-nhieu-tran-dua
Ảnh minh họa

Hồ sơ giảm - áp lực không giảm

Ngày 29-4 là ngày cuối cùng để thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Tin từ nhiều Sở GD&ĐT, số lượng hồ sơ ĐKDT vào ĐH, CĐ so với năm ngoái giảm mạnh.

Điển hình nhất là TP. HCM, tổng số hồ sơ ĐKDT năm nay của HS TP chỉ khoảng 120 ngàn hồ sơ, giảm khoảng 20 ngàn hồ sơ so với năm 2013. Thanh Hoá cũng là địa phương tiếp tục có số lượng hồ sơ ĐKDT giảm. Năm nay tỉnh nhận được 49 ngàn hồ sơ, trong khi năm ngoái 63 nghìn hồ sơ. Hà Nội so với năm trước cũng giảm 13 ngàn hồ sơ. 

Ngoài ra, những tỉnh có số hồ sơ giảm dưới 1 vạn so với năm 2013 phải kể tới Thái Bình giảm hơn 8 ngàn, Đồng Nai giảm hơn 6 ngàn, Bình Thuận giảm hơn 5 ngàn, Đồng Tháp, Bến Tre đều giảm khoảng 3.000 bộ, Vĩnh Long giảm hơn 1.500 hồ sơ.

Theo lãnh đạo nhiều Sở GD&ĐT, hồ sơ năm nay giảm là điều đáng mừng bởi vì thí sinh đã biết lượng sức mình, sẽ không bị nhiều hồ sơ ảo như các năm trước. Một phần khác dù nhỏ là thí sinh dự thi vào các trường tuyển sinh riêng sẽ đến nộp trực tiếp tại trường. Nhưng nguyên nhân chính là những năm gần đây, số lượng SV ra trường bị thất nghiệp ngày càng nhiều khiến HS và phụ huynh không quá "khát” phải vào ĐH, CĐ, nhất là những trường "tốt nước sơn hơn tốt gỗ”.

Tuy nhiên nhìn vào số lượng hồ sơ ĐKDT giảm là so với năm trước 2013, cũng như năm 2013 giảm so với 2012, nhưng đặt trong cơ cấu các bậc học thì rất cần lưu ý vấn đề tỷ lệ muốn vào ĐH luôn vượt trội. Trong kỳ tuyển sinh 2013, 79% thí sinh nộp hồ sơ ĐKDT ĐH, trong khi chỉ 21% vào CĐ. Thế thì nói gì đến bậc trung học chuyên nghiệp, dạy nghề... 

Tỉnh táo trước mọi chặng đua

Chặng đua vào lớp 10 năm nay cũng gian nan khi quy chế mới về tuyển sinh THPT năm 2014 của Bộ GD&ĐT, quy định có 4 đối tượng được tuyển thẳng vào bậc THPT, chưa kể nhiều đối tượng được cộng điểm ưu tiên như con liệt sĩ, con thương - bệnh binh mất sức lao động 81% trở lên, con của Anh hùng Lực lượng vũ trang, con của Anh hùng Lao động, con của Bà mẹ VN anh hùng... 

Đua vào lớp 10 THPT tại Hà Nội được đánh giá căng thẳng như kỳ thi ĐH không oan khi năm học 2014-2015 tới, theo Sở GD&ĐT Hà Nội, kỳ tuyển sinh đối với lớp 10 trường THPT công lập giảm chỉ tiêu, giảm sĩ số/lớp học - chỉ khoảng 40 em/lớp. Có cố gắng cũng chỉ đảm bảo cho 65% HS tốt nghiệp THCS Hà Nội được học lớp 10 THPT công lập. Số còn lại sẽ phải học các trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp hoặc trường nghề. 

Dù thị trường lao động đang rất cần người có tay nghề nhưng xu hướng thị trường lao động ra sao cũng như khả năng việc làm sau khi tốt nghiệp các ngành học, bậc học thế nào vẫn là những thông tin hoàn toàn… bí hiểm. Cơ cấu "đổ xô vào ĐH” báo động chặng đua vào bậc ĐH, CĐ dù vất vả, tốn kém cũng không thấm tháp gì so với chặng đua sau tốt nghiệp, cầm bằng cử nhân đi xin việc. 

Vì thế nhiều chuyên gia tiếp tục khuyên các thí sinh hãy tỉnh táo trước mọi mời chào, "khuyến mãi” của nhiều trường ĐH, CĐ "đói” thí sinh. Nếu nhẹ dạ, cả tin ham bằng cấp, chỉ tạo gánh nặng tài chính cho gia đình, xã hội. Hãy lượng sức mình và phân luồng tự giác để lập thân lập nghiệp, hơn là lãng phí 4 năm học ĐH vô ích để phải làm lại từ đầu - cất bằng cử nhân đi học trung cấp. Gần 2 tháng nữa kỳ thi ĐH, CĐ mới bắt đầu, dù đã nộp hồ sơ ĐKDT, mọi sự điều chỉnh đều chưa muộn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét