Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Hà Nội: Chiếc lược ngà vào đề thi Văn lớp 10



Đề văn thi vào 10 tại Hà Nội năm này dành 7 điểm xung quanh việc phân tích tác phẩm Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Hơn 70 ngàn thí sinh đã kết thúc môn thi đầu tiên trong kỳ thi vào 10 tại Hà Nội.

Đề văn năm nay có nhắc đến thời sự nước nhà thông qua một câu hỏi mở nói lên suy nghĩ của học sinh về cội nguồn của mỗi con người để thấy được trách nhiệm của mỗi cá nhân trong tình hình đất nước hiện nay.

Tại điểm thi trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam, em Phạm Việt Hương (trường THCS Cầu Giấy) cho biết: “Đề thi khá hay và có tính sáng tạo, ngoài những nội dung được học trên lớp, còn có thêm câu hỏi mở để học sinh thể hiện khả năng hiểu biết. Tuy nhiên, thời gian cũng chỉ vừa đủ để em làm bài. Môn văn là môn khó biết trước điểm số, nên em cũng không chắc kết quả của mình”.

Còn em Lại Phong Anh (trường THCS Nguyên Tất Thành cho biết, đề thi môn Văn hôm nay nội dung bám sát kiến thức đã được học ở lớp 9. Nói về câu hỏi trách nhiệm cá nhân về tình hình của đất nước hiện nay trong đề thi, Phong Anh chia sẻ: “Em nêu ra người Việt Nam có truyền thống yêu nước. Em lấy thực tế Trung Quốc xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế trên biển Đông của đất nước và trách nhiệm của công dân.

Yêu nước không cần phải là những thứ quá to tát, mà chỉ cần làm đúng bổn phận của mình, bác sĩ phải khám chữa bệnh, công nhân xây dựng cơ sở hạ tầng và người học sinh như em phải hoc tập thật tốt”.

Trao đổi với PV Infonet, cô Ngọc Phương (trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam) đánh giá đề môn Văn năm nay có tính nhân văn và có khả năng phân loại học sinh tốt, vừa hay vừa cập nhật thời cuộc.

“Theo tôi, câu cuối của mỗi bài đều hay, truyền đạt được một tư tưởng thống nhất và có ý nghĩa giáo dục cao, đó là chúng ta yêu hòa bình, không muốn chiến tranh vì chúng ta hiểu rõ tác động xấu của chiến tranh tới cuộc sống con người, với mỗi gia đình.

Bi kịch, mất mát của hai gia đình ở hai thời đại mà đề thi đã khéo léo xâu chuỗi chính là một minh chứng. Nhưng đồng thời chúng ta vẫn phải nhận thức vai trò công dân, biết kế thừa truyền thống dân tộc để đưa quê hương đất nước tiến lên vững mạnh.

Yêu tổ quốc là biết biến truyền thống thành sức mạnh để dân tộc vươn mình. Đó là nghĩa vụ của mọi công dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Đề năm nay có tính giáo dục cao, có sự đầu tư kết nối ý tưởng giữa các phần. Vì vậy, các công dân tương lai tham gia kì thi chắc chắn sẽ lĩnh hội được nhiều điều sâu sắc và tự thắp lửa yêu nước trong mình nhờ một đề thi như thế”, cô Phương chia sẻ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét