Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

KInh nghiệm đỗ Đại Học của các tiền bối

Từng là thí sinh “lều chõng” đi thi đại học, và bây giờ là sinh viên của các trường đại học danh tiếng, những bậc “tiền bối” này đã gửi lời khuyên chân thành tới các sĩ tử trước kỳ thi sắp tới.
 Chỉ mang vào phòng thi những đồ vật cần thiết

Kỳ thi tuyển sinh Đại học – Cao đẳng được tổ chức trên quy mô cả nước, với những quy định hết sức chặt chẽ. Nhưng gần như năm nào cũng xảy ra tình trạng đáng tiếc, nhiều thí sinh bị lập biên bản chỉ vì mang những vật dụng cấm vào phòng thi. Vì vậy mà trước khi vào phòng thi, thí sinh cần kiểm tra lại đồ dùng mang theo, nếu có điện thoại thì nên để cho phụ huynh giữ hoặc để ở nhà, kiểm tra xem trong túi quần, túi áo có giấy tờ không cần thiết thì bỏ ra ngay để tránh bị hiểu nhầm là “phao” khi bị phát hiện.

Cô sinh viên năm nhất của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Nguyễn Thị Huế
Bạn Nguyễn Thị Huế, thí sinh đạt 24.5 điểm khối C năm 2013, hiện đang là sinh viên năm nhất trường Đại học KHXH&NV HN chia sẻ: “Năm mình thi, mặc dù trước khi phát đề, giám thị đã nhắc thí sinh rất nhiều lần là kiểm tra lại túi quần, ngăn bàn xem có vật lạ hay những vật dụng nguy hiểm như điện thoại nhưng vẫn có thí sinh bị đình chỉ chỉ vì vô tình mang những vật dụng cấm vào phòng thi. Mình chỉ muốn nhắc nhở các bạn trước khi vào phòng thi chúng ta nên chủ động kiểm tra lại những vật dụng được phép và không được phép mang vào phòng thi, khi vào phòng thi thì nên bình tĩnh xem xét lại xung quanh một lần nữa để đảm bảo an toàn cho mình, tránh trường hợp bị đình chỉ oan”.

Cùng quan điểm với Huế, bạn Nguyễn Văn Linh (sinh viên năm 3 trường Đại học Kinh tế Quốc dân) khẳng định thêm vào phòng thi hầu hết các bạn đều căng thẳng. Lúc đó tuyệt đối đừng cố nhớ lại một mảng kiến thức nào đó, nhất là mảng mình đuối nhất để tránh tâm lý hoảng loạn.

Phân bố thời gian làm bài hợp lý

Bạn Nguyễn Địch Minh Đức (Lớp Báo ảnh K31, HVBC&TT) bật mí cách làm bài thi: “Nhận đề thi, các bạn đừng vội làm ngay mà hãy đọc lướt đề thi một lượt, sau đó câu nào dễ “chén” trước, khó “nhai” sau chứ tuyệt đối đừng bỏ. Nhưng trước khi làm nhớ phác thảo ra các ý định triển khai ra giấy nháp rồi mới bắt đầu làm, như vậy bài làm vừa khoa học, lại giúp phục hồi kiến thức nhanh”.

Cách làm bài thi như Minh Đức rất nhiều thầy cô đã nhắc nhở thí sinh trước khi đi thi, nhưng vẫn không ít bạn thích “thách thức” với bản thân. Thời gian làm bài có hạn, vì vậy đừng nên lãng phí. Thí sinh không nên dừng lại quá lâu ở một câu hỏi nào đó, nếu khó thì bỏ qua làm câu khác. Với những môn tự luận không phải càng làm dài càng tốt, mà là viết ngắn gọn, đủ ý và đúng trọng tâm, đừng lan man dài dòng làm mất thời gian.

Nguyễn Địch Minh Đức - anh chàng lớp phó kiêm bí thư năng động của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Chia sẻ về cách làm bài thi trắc nghiệm, bạn Nguyễn Thị Uyên (SV năm 3 khoa Thương mại Quốc tế, ĐH Thương mại) nói: “Với những đề trắc nghiệm khi làm được câu nào thì nên tô luôn vào phiếu TLTN, nếu hết giờ vẫn chưa làm xong thì cũng nên tô hết chứ đừng bỏ trống. Riêng đối với môn thi tiếng anh thì phần bài đọc nên để lại làm sau vì bài đọc bao giờ cũng khó hơn, và khi làm nên gạch chân các từ khóa. Chú ý những câu ngữ pháp vì nó hay rơi vào trường hợp đặc biệt”.

Ứng xử văn hóa trong phòng thi

Anh bạn Minh Đức cũng chia sẻ kinh nghiệm “xương máu” của mình khi ngồi trong phòng thi, đó là khi giao tiếp với các bạn cùng phòng, với giám thị phải ứng xử một cách có văn hóa, không quay ngang quay ngửa, thưa gửi lễ phép với các thầy cô khi ở trong phòng lẫn lúc ra về.

Minh Đức nhớ lại: “Năm mình đi thi chỉ vì một bạn cùng phòng hay quay ngang hỏi bài, bị giám thị nhắc nhở nhiều lần khiến cho không khí phòng thi khá căng thẳng”.

Cô bạn Nguyễn Thị Uyên – sinh viên năm 3 trường Đại học Thương mại Hà Nội.

Đồng ý với Đức, cô bạn Uyên còn bật mí: “Thật ra giám thị không hoàn toàn là giáo viên, còn có các anh, chị năm cuối coi thi. Giám thị coi thi không bao giờ làm khó thí sinh cả. Thậm chí năm mình thi trước khi bắt đầu thi giám thị còn kể chuyện cười cho nghe và động viên rất nhiệt tình nữa, cảm thấy đỡ áp lực hẳn”.

Cẩn thận là trên hết

Đạt 27,5 điểm và trúng tuyển Đại học Y Hà Nội, Vũ Thị Nga chân thành chia sẻ kiến thức thi đại học phải được trau dồi suốt một thời gian dài, và thử thách trong phòng thi chỉ kéo dài vài tiếng đồng hồ vì vậy mà mình nghĩ thí sinh không nên vội vàng nộp bài sớm.

Theo Nga thì thí sinh nên dành khoảng 10 phút cuối để xem lại bài, làm xong sớm thì nên xem đi xem lại bài làm để chắc chắn không bỏ lọt bất cứ ý nhỏ nào. Trong một kỳ thi thì 0.25 điểm cũng rất quý, thậm chí có thể xác định đỗ - trượt. Bạn nên xem lại phần họ tên, số báo danh và trước khi nộp bài cần xem kỹ xem trên bài làm có chi tiết “vô tình” nào có thể khiến mình bị coi là đánh dấu bài hay không.

Với Minh Trang (Học viện Báo chí và Tuyên Truyền) thì ngay cả khi môn đầu tiên thí sinh làm không tốt thì đừng nên quá áp lực vì mình vẫn còn cơ hội ở những môn sau. Làm bài không tốt rất khó để đỗ, nhưng nếu chúng ta bỏ cuộc ngay từ đầu thì cũng sẽ không bao giờ đỗ, vì vậy hãy tự cho mình cơ hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét